Sáng 04/8/2023, Hợp tác xã cây ăn quả và dược liệu Mường Kịt - cơ quan chủ trì, đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mường Kịt” cho sản phẩm cam, quýt của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ” tại UBND xã Kiệt Sơn. Đây là một trong những nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh về tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 89/QĐ-SKHCN ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mường Kịt” cho sản phẩm cam, quýt của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030.
Tham dự Hội nghị có đại diện Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ - đơn vị phối hợp triển khai dự án, lãnh đạo chính quyền địa phương xã Kiệt Sơn; các hộ dân, thành viên HTX sản xuất, kinh doanh cam, quýt trên địa bàn khu vực Mường Kịt xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn.
Quang cảnh Hội nghị
Hợp tác xã cây ăn quả và dược liệu Mường Kịt hiện nay có 12 thành viên chính thức và 10 hộ thành viên liên kết. Với tổng diện tích hơn 50ha, đã tạo việc làm cho 10 lao động làm việc thường xuyên. Trong những năm gần đây, phát huy lợi thế đất đai, lao động tại chỗ, Hợp tác xã đã phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt là các sản phẩm cam, quýt được trồng trên các triền đồi thấp của xã Kiệt Sơn và các xã lân cận cũng là một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và hiện đang là sản phẩm được thị trường ưa chuộng hơn so với các sản phẩm cùng loại khác, do có chất lượng thơm ngon, mọng nước. Cam, quýt được trồng theo hướng hữu cơ, nguồn cây giống được chọn lọc có nguồn gốc rõ ràng chủ yếu là giống: cam V2, cam đường canh, quýt Thái chín sớm, quýt Thái chín muộn. Hiện nay sản phẩm cam, quýt đã trở thành loại cây chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao, đang mang lại nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình tại địa phương. Sản phẩm cam, quýt ngoài các đặc tính quả to, tròn dẹt, chín có màu vàng tươi, sáng bóng, hình thức hấp dẫn, mẫu mã quả đẹp, tép vàng, ăn giòn, vị ngọt đậm và đặc biệt khi bóc quả có mùi thơm đặc trưng của sản phẩm được trồng trên các triền đồi núi thấp, có khí hậu mát mẻ. Tuy nhiên, trước đây việc trồng và phát triển cam, quýt Mường Kịt chủ yếu phát triển theo quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, nhiều diện tích không theo quy hoạch nên hiệu quả kinh tế không cao. Cũng giống như các sản phẩm chưa được xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, việc quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mường Kịt” cho sản phẩm cam, quýt của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ” là cần thiết, có ý nghĩa và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội nghị, chủ nhiệm dự án đã giới thiệu về mục tiêu, nội dung, sản phẩm đạt được sau khi dự án kết thúc; giới thiệu về nhãn hiệu tập thể và vấn đề xác lập quyền bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu tập thể “Mường Kịt” cho sản phẩm cam, quýt của huyện Tân Sơn sau khi được bảo hộ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn khẳng định: việc triển khai dự án là cơ hội lớn cho các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh “cam, quýt Mường Kịt” xây dựng sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hóa của huyện Tân Sơn, tránh nhầm lẫn với sản phẩm cam, quýt ở những vùng, địa phương khác, qua đó sản phẩm dần tạo nên thương hiệu có sức mua cao, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, thành viên HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Hà Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn phát biểu tại hội nghị
0917300796